Điều chỉnh sản xuất cuối năm

Cùng với việc cạnh tranh đưa ra sản phẩm mới, một điểm khá thống nhất ở việc đa phần các DN sẽ không tăng giá hàng hóa vào dịp cuối năm nay.

Nhận định nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm dịp cuối năm nay sẽ không tăng nhiều, Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đang lên kế hoạch điều chỉnh mức tăng trưởng sản xuất và lượng hàng cung ứng so với năm trước. Theo đó, công ty sẽ hướng tới mức doanh thu khoảng 670 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm ngoái, thấp hơn mức tăng bình quân nhóm hàng tiêu dùng dịp Tết trên 10%.

Lý do của việc lên kế hoạch thận trọng trên, theo Phó tổng giám đốc Vissan Trần Tấn An, những tháng cuối năm thường phản ánh rõ nhất sức tiêu dùng của thị trường, nhưng đến thời điểm này sức cầu vẫn còn yếu. Chính vì vậy, những DN sản xuất, cung ứng hàng hóa cuối năm luôn có sự nhanh nhạy để thích ứng với tình hình. Mặt khác, xu hướng và thói quen tiêu dùng cũng như việc tích trữ hàng hóa không còn như trước đây, nên các DN phải nắm bắt điều này và không quá đặt nặng chỉ tiêu về sản lượng. Thay vào đó là kích cầu và tăng doanh số bằng phương thức khác như đi vào chế biến sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao...

Tương tự, cũng với phương châm “chất hơn lượng”, CTCP Phát triển Nông nghiệp (Adeco) đang phải điều chỉnh lại kế hoạch cung ứng hàng hóa ra thị trường vào dịp cuối năm. Cụ thể, vào những tháng này thông thường công ty sẽ tập trung nguồn lực tăng sức cung, đưa sản lượng đạt mức 50 triệu trứng gia cầm như kế hoạch ban đầu để đáp ứng lượng tiêu thụ trong dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay Adeco đã giảm sản lượng xuống khoảng 15%. Thay vào đó, công ty chuyển sang đa dạng hóa sản phẩm, tập trung tăng nguồn thịt gà tươi sống để cung ứng vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn.

Ông Trương Văn Tốt, Giám đốc Adeco cho biết, rút kinh nghiệm từ Tết 2014, nhận thấy sức cầu tiêu dùng trong dân vẫn còn yếu nên lãnh đạo công ty đã họp bàn để điều chỉnh nguồn cung hàng hóa. Theo đó, công ty không đặt nặng vấn đề tăng sản lượng mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm mới để giữ vững mục tiêu tăng trưởng…

“Thay vì tăng lượng hàng Tết khoảng 30% như mọi khi, năm nay dự kiến lượng hàng chỉ tăng chừng 10%. Song bù lại sự sụt giảm về số lượng, mặt hàng mới của Adeco sẽ tập trung đánh vào tâm lý người tiêu dùng bằng mặt hàng gà ta phục vụ dịp Tết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn theo công nghệ mới tươi sạch sáng mổ, chiều đến bàn ăn”, ông Tốt nói.

Ngoài các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát cũng kỳ vọng “hốt hụi chót” cuối năm. Nhưng cách thức, phương án kinh doanh vào cuối năm nay cũng có ít nhiều sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình so với phương án đầu năm của nhiều DN. Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên xoay sang tăng sức hút cho thương hiệu bằng những dòng sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài với hương vị mới. Hay Bibica đa dạng thị hiếu người tiêu dùng “sành điệu” bằng những sản phẩm hộp thiếc in ấn công phu, sang trọng, đẹp mắt làm quà biếu…

Cùng với việc cạnh tranh đưa ra sản phẩm mới, một điểm khá thống nhất ở việc đa phần các DN sẽ không tăng giá hàng hóa vào dịp cuối năm nay. Để làm được điều này, các DN cho biết, chủ yếu vẫn là tiết giảm tối đa nguồn chi phí, nguyên liệu đầu vào để hạ giá thành, chia sẻ với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc chủ động nguồn nguyên liệu từ những tháng giữa năm mới số lượng vừa phải, hợp lý, tránh tối đa lượng hàng tồn sau Tết cũng giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đạt hiệu quả cao hơn.

Thanh Tuyết
"Nguồn: Thời báo Ngân hàng"

Quay lại